Sau khi Yeung, một giáo sư Mỹ phát minh ra phương pháp phẫu thuật nội soi YES (Yeung Endoscopic Surgery), đã làm nên một cuộc "cách mạng" trong điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật được thực hiện với mục đích để lấy khối thoát vị ra nhằm giải phóng cho rễ thần kinh khỏi bị chèn ép. Tuy nhiên, để lấy được khối thoát vị (phần bệnh) thì phải cắt đi một phần cơ, xương, dây chằng bình thường (phần không bệnh) mới có chỗ để thực hiện cuộc phẫu thuật. Các phương pháp mổ hở đều phải cắt đi một phần không bệnh rất lớn. Để giảm thiểu tối đa việc đụng chạm không cần thiết đó, các kỹ thuật ít ảnh hưởng đến phần không bệnh của cơ thể (gọi là phẫu thuật ít xâm lấn) mà điển hình là phẫu thuật nội soi ra đời.
Ban đầu các kỹ thuật nội soi còn nhiều hạn chế, nhưng từ năm 1998, sau khi Yeung, một giáo sư người Mỹ phát minh ra phương pháp phẫu thuật nội soi YES (Yeung Endoscopic Surgery), đã làm nên một cuộc "cách mạng" trong điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Cuộc mổ nội soi YES kéo dài khoảng 20 phút đến 1 giờ cho một tầng thoát vị đĩa đệm, người bệnh nằm sấp, được tiêm thuốc tê vào khu vực mổ (hoặc gây mê trước đó). Một cây kim dài được chích từ ngoài da vào vùng đĩa đệm, da được rạch khoảng 7-8 mm, và một thanh dẫn được đưa vào theo cây kim chích ban đầu. Sau đó, một ống thao tác có đường kính 7 mm được đưa vào, tạo thành một đường hầm thông từ ngoài vào tới đĩa đệm và nơi có khối thoát vị. Một ống nội soi có đường kính gần 6 mm, bên trong có nhiều kênh (các ống nhỏ) để cho nguồn sáng đi vào, camera dẫn hình ra, các kênh bơm và hút nước và đặc biệt là kênh dành cho các dụng cụ lấy khối thoát vị và nhân đĩa đệm đi qua. Dưới sự kiểm soát của nội soi cùng với hệ thống dụng cụ chuyên dùng, các dây thần kinh được quan sát và bảo vệ trong khi khối thoát vị và nhân đĩa đệm thoái hóa được lấy ra. Nếu người bệnh được mổ bằng cách gây tê, ngay trong khi mổ người bệnh có thể cảm nhận được các triệu chứng giảm hoặc hết. Với những người bệnh không bị liệt từ trước khi mổ, ngay sau khi mổ xong người bệnh đã có thể đứng dậy và đi được. Tuy nhiên, người bệnh cần nằm nghỉ và tránh hoạt động nhiều trong 24 giờ đầu. Trong tuần đầu sau mổ, người bệnh cần tránh leo cầu thang hoặc đi lên xuống dốc nhiều, tránh ngồi nhiều và phải mang nẹp lưng khi ngồi hoặc đứng dậy.
Hiện phương pháp phẫu thuật trên đã được áp dụng ở một số bệnh viện tại Việt Nam.
* Các nhà chuyên môn ghi nhận, có tới 70% dân số có thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, tuy nhiên chỉ có 1/3 trong số này có triệu chứng, và cũng chỉ 1/3 trong số có triệu chứng đó thật sự cần đến bác sĩ.
Theo Thanh Niên Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét